Thực tiễn sử dụng tiền mã hóa trong tài trợ cuộc xung đột Nga – Ukraine và hàm ý cho Việt Nam

Ngày:

Thực tiễn sử dụng tiền mã hóa trong tài trợ cuộc xung đột Nga – Ukraine và hàm ý cho Việt Nam

Từ khóa: tiền mã hóa, tài trợ chiến tranh, Ukraine, Nga.

1. Nguyên nhân Ukraine và Nga lựa chọn tìm đến tiền mã hóa

Về cơ bản, tiền mã hóa hiện nay đã có nhiều bước phát triển cả về công nghệ cũng như tính thuận tiện và dễ tiếp cận đối với số đông quần chúng. Với việc người dân của nhiều quốc gia phát triển như Mỹ, châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore… đã được thực sự tiếp cận và sử dụng tiền mã hóa hợp pháp, thì việc tận dụng tiến bộ công nghệ này nhằm chuyển tiền và thu hút tài trợ xuyên biên giới là điều đương nhiên sẽ diễn ra.

Đối với Ukraine, nhu cầu huy động tài chính cao độ và gấp gáp là nguyên nhân chính khiến nước này tìm đến tiền mã hóa. Trước tình hình trong nước khó khăn và các kênh xin tài trợ thường đến từ các tổ chức và chính phủ trên thế giới, chính quyền Ukraine đã chủ động tìm kiếm nguồn hỗ trợ từ mọi cá nhân và tổ chức tư nhân trên thế giới.

Thông qua tiền mã hóa, các cá nhân và tổ chức tư nhân hoàn toàn có thể lựa chọn tài trợ cho chính quyền Ukraine thông qua hình thức trực tiếp lẫn ẩn danh, từ bất kì nơi đâu trên thế giới, lượng tiền ít hay nhiều và bất kể thời điểm nào trong ngày. Điều này đã tạo thuận lợi tối đa cho người dân toàn cầu muốn đóng góp tài chính cho cuộc chiến, từ đó giúp nâng cao thanh khoản cho thị trường tiền mã hóa cũng như tính ứng dụng của tiền mã hóa trong đời thực.

Đối với Nga, nhu cầu giảm thiểu tác động của việc bị phương Tây cấm vận là nguyên nhân chính khiến nước này tìm kiếm các giải pháp tài chính thay thế hệ thống hiện tại, trong đó có tiền mã hóa. Trước việc nước Nga bị loại khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT và tài sản của công dân cũng như của Chính phủ Nga liên tục bị phong tỏa, việc tìm kiếm các kênh giao dịch và lưu trữ giá trị là rất cấp thiết đối với nước Nga. Mặc dù Nga đã có sự chuẩn bị từ trước như tăng dự trữ vàng và ngoại tệ, cắt giảm ngân sách và ngăn chặn các dòng chảy tài chính ra nước ngoài, nhưng tác động của các biện pháp trừng phạt vẫn rất lớn đối với nền kinh tế Nga. Mọi phương thức giao dịch xuyên biên giới, lưu trữ giá trị hay kiểm soát dòng chảy tài chính lẫn tài sản ra và vào nước Nga đều có ý nghĩa quan trọng và được đánh giá nghiêm túc.

2. Thực tiễn huy động tiền mã hóa của Ukraine

Ngày 24/02/2022, Nga bắt đầu “chiến dịch quân sự đặc biệt”, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã tuyên bố thiết quân luật và ngân hàng trung ương đã đình chỉ hầu hết giao dịch tiền tệ và đóng băng tỉ giá hối đoái chính thức của đồng Hryvnia. Việc sử dụng tiền mã hóa lúc này cũng bị cấm. Làn sóng rút tiền mặt tăng nhanh và giá trị đồng nội tệ Ukraine giảm mạnh. Việc chuyển tiền cũng bị gián đoạn nghiêm trọng. Wise, một công ty thanh toán xuyên biên giới, đã hạ mức giới hạn chuyển khoản vào Ukraine từ 14.000 USD xuống mức thấp nhất là 200 USD.

Hai ngày sau khi cuộc chiến xảy ra, Chính phủ Ukraine đã đăng địa chỉ ví Bitcoin, Ethereum và Tether của mình trên phương tiện truyền thông xã hội. Bộ Chuyển đổi kĩ thuật số Ukraine chấp nhận quyên góp bằng 14 loại tiền mã hóa. Come Back Alive, một tổ chức phi chính phủ Ukraine từ năm 2014 đã thu tiền cho trang thiết bị và huấn luyện quân sự, dựa vào tiền mã hóa sau khi bị loại khỏi Patreon, một nền tảng gây quỹ chấp nhận quyên góp bằng tiền pháp định nhưng không cho phép chi tiêu cho bộ máy quân sự.

Đối với phương pháp huy động truyền thống, các chính phủ và tổ chức như Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã viện trợ hàng tỉ USD cho Ukraine. Chỉ riêng nước Mỹ đã phê duyệt 13,6 tỉ USD tài trợ khẩn cấp vào tháng 3/2022. Có thể thấy, mặc dù lượng tiền quyên góp được từ huy động tiền mã hóa hay bán các tài sản NFT của Ukraine còn tương đối nhạt nhòa so với các khoản quyên góp truyền thống. Nhưng quyên góp bằng tiền mã hóa có một số lợi thế như:

Việc chuyển tiền diễn ra ngay lập tức: Nhờ sự cải tiến công nghệ tiền mã hóa nói chung và sự phát triển của các sàn giao tập trung lẫn phi tập trung, các giao dịch tiền mã hóa hiện nay được thực hiện tương đối nhanh chóng, thường chỉ vài phút cho mỗi giao dịch.

Không đòi hỏi tư cách pháp nhân hay ràng buộc pháp luật: Đối với các quốc gia cấp phép cho các sàn giao dịch tiền mã hóa tập trung được hoạt động, người dân chỉ cần mở tài khoản và mua tiền mã hóa trên các sàn giao dịch được cấp phép này, sau đó lựa chọn tính năng chuyển tiển đến ví điện tử của chính quyền Ukraine. Đôi khi tính năng lựa chọn quyên góp cho Ukraine được chính các sàn hỗ trợ người sử dụng.

Đối với người dân tại các quốc gia chưa cho phép người dân tham gia sở hữu và giao dịch tiền kĩ thuật số, người dân vẫn có thể tự tìm cách mua bán các loại tiền mã hóa trên các sàn giao dịch phi tập trung hoặc nhờ giúp đỡ từ các hội kín. Sau khi sở hữu tiền mã hóa, các cá nhân hoàn toàn có thể chuyển tiền đến ví điện tử của chính quyền Ukraine mà không phải chia sẻ danh tính bản thân, nguồn gốc số tiền ủng hộ hay cam kết pháp lí.

Về cơ bản, chính quyền Ukraine cũng không đòi hỏi nguồn tiền quyên góp ủng hộ cho mình phải có nguồn gốc rõ ràng và không vi phạm pháp luật. Như vậy, chỉ có các chính quyền quốc gia có nhu cầu quản lí dòng tiền từ người dân nước mình chuyển ra nước ngoài, nhằm mục đích đánh thuế hoặc chống lại các hành vi và nguy cơ vi phạm pháp luật.

Số lượng tiền chuyển không bị hạn chế: Nếu như dịch vụ chuyển tiền Wise có thời điểm đã giới hạn số tiền chuyển của khách hàng tại Ukraine xuống chỉ 200 USD/lần chuyển, thì các giới hạn về chuyển khoản không hề bị áp dụng đối với tiền mã hóa. Dù chỉ vài USD đến hàng trăm ngàn USD thì hệ thống tiền mã hóa vẫn cho phép các giao dịch diễn ra bình thường, miễn là phí giao dịch (phí gas) được thanh toán đầy đủ.

Đây là điểm cộng mạnh của tiền mã hóa so với các phương thức chuyển tiền truyền thống khác. Chỉ cần mạng internet và các thiết bị điện tử cơ bản như điện thoại di động, người Ukraine có thể chuyển và nhận tiền xuyên biên giới không giới hạn một cách nhanh chóng và an toàn do không phải cầm tiền mặt hay đến các điểm giao dịch tài chính truyền thống (như các chi nhánh ngân hàng). Đây là điểm mạnh trong bối cảnh đất nước diễn ra chiến tranh do người dân phải liên tục tìm nơi trú ẩn và thường chỉ có thể mang theo ít tài sản bên mình.

Ít trung gian và dễ tiếp cận: Đối với phương thức thanh toán truyền thống, người chuyển tiền có thể lựa chọn một trong hai hình thức là hữu tuyến và trực tuyến. Hữu tuyến là việc phải mang tiền mặt và giấy tờ tùy thân đến chi nhánh ngân hàng hoặc trung tâm dịch vụ tài chính, điền đầy đủ các loại tờ khai dưới sự hỗ trợ của nhân viên ngân hàng để được thực hiện chuyển hay nhận tiền. Trực tuyến là việc người dân phải mở tài khoản ngân hàng tại các chi nhánh từ trước, điền một loạt các tờ khai và cam kết sử dụng dịch vụ tài chính, trước khi có thể thực hiện chuyển tiền qua internet. Cả hai phương thức đều yêu cầu các điều kiện nghiêm ngặt về giấy tờ, chữ kí chính chủ, mục đích chuyển tiền hợp lí… thì mới được chấp nhận chuyển và nhận tiền.

Đối với hệ thống tiền mã hóa, người sử dụng sống tại bất kì đâu cũng có thể tự mở tài khoản giao dịch tiền mã hóa trực tuyến của mình hoàn toàn miễn phí và nhanh chóng, có thể lựa chọn cung cấp thông tin cá nhân của mình hoặc không và chuyển tiền vào sàn giao dịch tiền mã hóa tập trung để mua và chuyển tiền mã hóa đến Ukraine. Các hướng dẫn về thanh toán, giao dịch trên các sàn này tương đối dễ hiểu và tiếp cận, người sử dụng có thể chuyển các khoản tiền nhỏ vài lần để làm quen với hệ thống, trước khi chuyển số lượng tiền lớn hơn. Nếu cần, người sử dụng hoàn toàn có thể gọi điện đến tổng đài hỗ trợ của các sàn giao dịch này để được hướng dẫn và hỗ trợ trực tiếp, tại bất kì thời điểm nào trong ngày.

Bên cạnh các lợi ích kể trên, việc chuyển tiền xuyên biên giới tồn tại một số điểm hạn chế sau:

Thứ nhất, đối với Chính phủ Ukraine, việc quản lí dòng tài sản ra và vào đất nước thông qua hệ thống tiền mã hóa còn khá khó khăn. Người dân Ukraine có thể nhờ đến hệ thống tiền mã hóa để chuyển tài sản của mình ra nước ngoài mà chính quyền Ukraine rất khó phát hiện, quản lí và ngăn chặn. Đặc biệt, đối với các đối tượng chống phá Chính phủ Ukraine, các cá nhân và tổ chức nước ngoài có thể chuyển tiền cho các đối tượng này để tiến hành chống phá đất nước. Chúng có thể nhận tiền, lưu trữ và chỉ quy ra tiền mặt sau khi đã thoát khỏi đất nước một cách an toàn. Với tính chất dễ lưu trữ, cất giấu và vận chuyển, đây là thách thức không hề nhỏ đối với Chính phủ Ukraine nói riêng và chính quyền các quốc gia khác nói cung.

Ngoài ra, việc sử dụng tiền mã hóa cũng gây nên nguy cơ đặt tài sản của người Ukraine vào tay người nước ngoài. Trước tình hình chiến sự, giá trị đồng tiền nội tệ Hryvnia của Ukraine đã liên tục giảm và khiến người dân có tâm lí muốn đổi đồng nội tệ Hryvnia sang USD, vàng hay các loại ngoại tệ khác. Điều này càng làm giảm giá trị của đồng Hryvnia, gây nguy cơ thất thoát tài sản của người dân Ukraine khi sử dụng các loại tài sản không được Nhà nước bảo đảm, cũng như các vấn đề pháp lí phức tạp khi có tranh chấp xảy ra.

Hình 1: Đồng Ukraine Hryvnia mất giá so với USD

Thứ hai, đối với người dân Ukraine, việc tiếp cận và sử dụng hệ thống tiền mã hóa còn tương đối khó khăn để ứng dụng, đặc biệt là với người lớn tuổi. Việc nhờ tới các bên trung gian, hoặc các đối tượng trao đổi giữa tiền mã hóa và tiền thật tồn tại một số rủi ro về đạo đức, lừa đảo mà nhiều người dân chưa lường trước được. Họ dễ bị mất tài sản của mình vào tay các đối tượng lừa đảo, khi tuân theo hướng dẫn của các đối tượng này nhằm chuyển và nhận tiền mã hóa.

Kể từ khi triển khai hoạt động mở ví điện tử quốc gia, ngay đầu tháng 3/2022, Chính phủ Ukraine đã chi hơn một nửa số tiền mã hóa họ huy động được vào các thiết bị quân sự bao gồm thuốc men, áo chống đạn, bộ đàm, lương thực cho binh lính, camera tầm nhiệt và mũ bảo hiểm. Tiền mã hóa lúc này chiếm khoảng 1/5 tổng lượng tiền mà Ukraine huy động quyên góp được cho cuộc chiến.

Thực tiễn này đã giúp chính quyền Ukraine có nhiều động thái thân thiện với tiền mã hóa. Kể từ khi chiến tranh nổ ra, Chính phủ Ukraine đã tìm cách cải thiện cơ sở hạ tầng tiền mã hóa của mình. Vào ngày 16/3/2023, ông Zelensky đã kí một số quy định mới về tiền mã hóa thành luật. Các ngân hàng hiện được cho phép mở tài khoản cho các công ty tiền mã hóa và tăng cường các biện pháp bảo mật nhằm giảm thiểu các nguy cơ vi phạm pháp luật, chẳng hạn như chỉ cấp phép hoạt động đối với các sàn giao dịch đáp ứng đủ yêu cầu của chính phủ. Các cơ quan quản lí cũng được trao quyền nhằm theo dõi và quản lí hệ thống tiền tệ này.

3. Thực tiễn huy động tiền mã hóa của Nga

Tại Nga, người dân về cơ bản đã có những tiếp xúc và sử dụng tiền mã hóa từ khá sớm. Một cuộc thăm dò năm 2014 tại Anh cho thấy, có tới 46% người dùng internet ở Nga thường xuyên sử dụng tiền mã hóa để mua hàng trực tuyến. Trong khi đó, tính đến năm 2019, ngay cả khi các dịch vụ thanh toán điện tử trở nên mạnh mẽ hơn, cũng chỉ có 26% người tiêu dùng Mỹ cho biết thanh toán điện tử là lựa chọn đầu tiên của họ khi mua hàng trực tuyến (Chainalysis, 2020).

Theo Roman Sannikov, Giám đốc Tội phạm mạng và Tình báo của công ty Recorded Future, thì ngành ngân hàng ở các nước Đông Âu không phát triển giống như ở phương Tây. Đặc biệt, quá trình chuyển tiền xuyên biên giới đặc biệt gặp khó khăn vì phần lớn cơ sở hạ tầng không đáp ứng được nhu cầu. Từ đó, khoảng trống dịch vụ tài chính này đã khiến người dân tìm đến nhiều phương pháp chuyển tiền không chính thống để đáp ứng nhu cầu của mình. Điều này đã và đang gây nhiều rủi ro cho các hoạt động tội phạm tài chính (Chainalysis, 2020).

Nga bắt đầu xem tiền mã hóa là một loại tiền hợp pháp kể từ tháng 01/2021, 6 tháng sau khi Tổng thống Vladimir Putin kí sắc lệnh cho phép tài sản kĩ thuật số đứng chung hàng ngũ với tài sản vật lí nhưng chưa cho phép sử dụng chúng làm phương tiện thanh toán. Tính đến tháng 02/2022, thị trường tiền mã hóa Nga có giá trị hơn 214 tỉ USD, chiếm khoảng 12% tổng giá trị vốn hóa thị trường tiền mã hóa toàn cầu (Lực, 2022).

Trong hơn một năm qua, nước Nga đã chống chịu trước các lệnh trừng phạt tương đối tốt, đặc biệt là luôn tìm cách để khơi thông dòng vốn xuyên biên giới cho mình. Việc tìm đến tiền mã hóa là một trong những phương án được Nga lựa chọn nghiên cứu và tìm kiếm cơ hội triển khai. Trên thực tế, các trung tâm khai thác bitcoin sử dụng khí đốt vẫn hoạt động ổn định tại Nga. Số tiền giao dịch giữa Rúp Nga và tài sản tiền điện tử đã tăng gấp đôi kể từ khi cuộc xung đột bắt đầu, đạt 60 triệu USD/ngày cho thấy, vẫn rất nhiều người Nga đang tích trữ tài sản trong tiền mã hóa hoặc chuyển tài sản ra nước ngoài (Oliver-Stafford, 2022).

Theo nhiều ước tính gián tiếp khác nhau, các nhà đầu tư Nga là một trong những người tham gia tích cực nhất vào thị trường tiền mã hóa. Nga đang đứng thứ 13 trong bảng xếp hạng Chỉ số chấp nhận tiền mã hóa toàn cầu vào năm 2023 (Chainalysis, 2023).

Trong thời điểm năm 2020, Chainalysis ước tính Nga đã gửi đi số tiền mã hóa trị giá hơn 16,8 tỉ USD và nhận được 16,6 tỉ USD, trong khi Ukraine đã gửi đi số tiền là 8,2 tỉ USD và nhận về 8,0 tỉ USD. Mặc dù khối lượng giao dịch này thấp hơn nhiều so với tại Trung Quốc, Mỹ và các quốc gia hàng đầu khác, nhưng điểm ấn tượng ở đây là số tiền này được huy động trong thời gian khá ngắn, khi trước đó còn rất dè dặt trong việc tiếp cận với tiền mã hóa.

Một khía cạnh khác của tiền mã hóa là nó có thể giúp Nga tránh các lệnh trừng phạt tài chính của phương Tây. Không giống như mạng chuyển tiền quốc tế SWIFT, việc theo dõi và kiểm soát các giao dịch tiền mã hóa phi tập trung rất phức tạp, điều này sẽ giúp Nga tránh được sự tấn công dữ dội của các biện pháp trừng phạt kinh tế (Selmi, 2022).

Chìa khóa thực sự cho bất kì lệnh trừng phạt nào đến từ việc quản lí phương thức chuyển tiền mà những cá nhân và tổ chức bị liệt vào danh sách đen có thể tiếp cận. Tuy nhiên, ở cấp độ quốc gia, việc xác định một giao dịch có bị tính là vi phạm pháp luật hay không, cũng như phong tỏa nó là rất khó, nếu quốc gia bị cấm vận vẫn chủ trương cho phép giao dịch diễn ra. Đối với trường hợp của Nga, nước này chỉ cần tìm cách giao dịch với bên ngoài mà không thông qua đồng USD hay hệ thống SWIFT. Việc sử dụng vàng, hàng hóa, ngoại tệ ngoài USD, hay phương án về đồng Rúp kĩ thuật số đều mở ra nhiều lựa chọn nhằm vượt qua các lệnh trừng phạt. Kết hợp cùng các thủ pháp kĩ thuật về an ninh mạng, các doanh nghiệp giao dịch với các thực thể Nga có thể giao dịch trót lọt mà không bị phát hiện.

Thay vì ban hành lệnh cấm, Chính phủ Nga thông qua một khuôn khổ pháp lí nhằm quản lí tiền kĩ thuật số, với mục tiêu đưa chúng vào hệ thống tài chính và bảo đảm tài sản kĩ thuật số không được sử dụng để tài trợ cho các hoạt động tội phạm. Các nhà phân tích của Chính phủ Nga khẳng định, Moscow có thể thu về 13 tỉ USD/năm thông qua việc quản lí và đánh thuế giao dịch tiền điện tử, các sàn giao dịch và đơn vị trung gian cũng như thu nhập từ các khoản đầu tư. (Lực, 2022).

Về phía thách thức, bản thân nước Nga cũng đang phải đối mặt với nguy cơ các cá nhân và tổ chức trong nước sử dụng tiền mã hóa để che giấu tài sản của mình khỏi tầm với của chính phủ. Đầu năm 2022, Ngân hàng Trung ương Nga (CBR) đã đề xuất cấm sử dụng và khai thác tiền mã hóa trên lãnh thổ Nga, với lí do đe dọa sự ổn định tài chính, phúc lợi của người dân và chủ quyền về chính sách tiền tệ của nước này. CBR lo ngại rằng, các loại tiền mã hóa phi tập trung như Bitcoin có thể làm suy yếu sự kiểm soát của Chính phủ đối với hệ thống tài chính và có thể được sử dụng để rửa tiền hoặc tài trợ cho khủng bố. Sau đó, Chính phủ Nga đã ban hành một đề xuất liên quan đến cách điều chỉnh các quy định về tiền mã hóa. Bản thân Tổng thống Putin cũng nhận ra được những rủi ro nhất định liên quan đến tiền mã hóa, như tính biến động cao về giá trị, song cũng hiểu nước Nga đang sở hữu những lợi thế nhất định khi khai thác loại tiền này, ông cũng đã trình bày trước Quốc hội Liên bang Nga rằng: “CBR không cản trở tiến bộ kĩ thuật về tài chính và đang thực hiện những nỗ lực cần thiết để giới thiệu các công nghệ mới nhất trong lĩnh vực tài chính này” (Davies, 2022)

4. Đánh giá và hàm ý cho Việt Nam

Việc sử dụng tiền mã hóa tại Nga và Ukraine hiện nay đã trực tiếp nâng cao giá trị cũng như ứng dụng thực tiễn của tiền mã hóa trong cuộc sống. Nhờ triển khai sớm hệ thống nhận tài trợ thông qua tiền mã hóa, cả Ukraine và Nga đã nhanh chóng xếp ở vị trí lần lượt thứ 1 và thứ 2 trên thế giới trong việc áp dụng phổ cập tiền mã hóa (Chainalysis, 2020).

Tính đến nay, bảng xếp hạng của Chainalysis cũng đã có nhiều cập nhật, khi Ấn Độ và Nigeria là quốc gia xếp hạng lần lượt thứ 1 và thứ 2 thế giới; tuy nhiên, vị thế của Ukraine và Nga vẫn rất cao trong việc sử dụng tiền mã hóa trên thế giới.

Bảng 1: Bảng xếp hạng Chỉ số top 13 nước chấp nhận tiền mã hóa toàn cầu 2023
Trong bảng xếp hạng trên, Nga đang đứng thứ 13 thế giới về mức độ tiếp cận ứng dụng tiền mã hóa, Ukraine đứng vị trí thứ 5 và Việt Nam hiện đang đứng vị trí thứ 3. Tuy nhiên, Nga là quốc gia có mức độ áp dụng hệ thống tài chính phi tập trung (DeFi) xếp thứ 9 toàn cầu, một thứ hạng tương đối cao.

Sự phát triển của công nghệ tiền mã hóa hiện nay cũng làm dấy lên nhiều nỗi lo thiết thực về việc quản lí dòng tiền xuyên biên giới theo đúng quy định của pháp luật. Chính sự tăng trưởng mạnh mẽ này cùng với sự thiếu hụt về hành lang pháp lí, các công nghệ hiện đại cũng đứng trước nguy cơ bị giới tội phạm lợi dụng vào những mục đích bất chính để thu lợi cá nhân như rửa tiền, tài trợ khủng bố, tham nhũng… Chắc chắn trong tương lai, việc sử dụng tiền mã hóa trong các hoạt động chuyển tiền xuyên biên giới sẽ còn được thúc đẩy thường xuyên hơn nữa, với giá trị giao dịch sẽ tiếp tục gia tăng bất chấp nỗ lực kiểm soát của các chính phủ.

Đối với Việt Nam, trước các nguy cơ tiềm ẩn mà tiền mã hóa mang lại, đặc biệt là trong vấn đề chống rửa tiền và tài trợ khủng bố, chúng ta vẫn đang tách biệt công tác quản lí tiền mã hóa theo nhiệm vụ của từng cơ quan, ban, ngành mà thiếu hình thức liên kết hỗ trợ phù hợp. Tổng giá trị tiền mã hóa Việt Nam nhận về trong giai đoạn từ tháng 10/2021 – 10/2022 là 90,8 tỉ USD. Tính đến tháng 12/2022, Việt Nam có hơn 200 dự án blockchain hoạt động. Theo thống kê từ Statista, doanh thu từ các sàn giao dịch tiền mã hóa tại thị trường Việt Nam dự kiến đạt 109,4 triệu USD vào năm 2023, số lượng người dùng tiền mã hóa sẽ tăng thêm 12,37 triệu người vào năm 2027 – ông Phan Đức Trung, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA) dẫn số liệu từ Bộ Tư pháp Mỹ và Chainalysis… (Lan, 2023)

Mặc dù các vấn đề liên quan đến vi phạm pháp luật về tài chính truyền thống hiện đã được luật hóa và có cơ chế hợp tác liên bộ để quản lí và giải quyết, song trước các diễn biến ngày càng phát triển của công nghệ tiền mã hóa, cùng với sự tinh vi ngày càng gia tăng của giới tội phạm, việc quản lí tiền mã hóa tại Việt Nam sẽ càng trở nên khó khăn hơn, đặc biệt là hệ thống pháp lí đủ mạnh để giải quyết các vấn đề này.

Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022 đã có hiệu lực từ ngày 01/3/2023. Tuy nhiên, nguy cơ hoạt động rửa tiền mã hóa tại Việt Nam sẽ tăng cao trong thời gian tới, các tổ chức tín dụng, các cơ quan nhà nước cần triển khai áp dụng mạnh mẽ các điều luật để xử lí các hành vi phạm tội có liên quan đến loại hình tài sản mới này; đồng thời, cần nghiên cứu, xây dựng khung pháp lí cụ thể, các quy định, quy trình, nhân sự chất lượng cao trong công tác quản lý tiền mã hóa.

Đặc biệt, cần liên kết và hợp tác chặt chẽ giữa Chính phủ Việt Nam và quốc tế nhằm theo dõi và kiểm soát các hoạt động vi phạm pháp luật liên quan đến tiền mã hóa. Vì nếu không có sự hợp tác chặt chẽ thì đây chính là kẽ hở vô cùng lớn cho hoạt động tội phạm nói chung và tiền mã hóa nói riêng, luôn có xu hướng lan tỏa giữa các quốc gia. Chính phủ cần nghiên cứu xây dựng cơ chế hợp tác, đào tạo nhân lực và phối hợp giải quyết các vấn đề liên quan đến tiền mã hóa càng sớm càng tốt để tránh lỗ hổng cho các tổ chức tội phạm hoạt động.

Tài liệu tham khảo:

1. Chainalysis. (2020). Eastern Europe: High Grassroots Adoption, Outsized Darknet Market and Ransomware Activity; https://www.chainalysis.com/blog/eastern-europe-cryptocurrency-market-2020/
2. Chainalysis. (2023). The 2023 Global Crypto Adoption Index: Central & Southern Asia Are Leading the Way in Grassroots Crypto Adoption; https://www.chainalysis.com/blog/2023-global-crypto-adoption-index/
3. Davies, P. (2022). Russia’s government and central bank agree to treat cryptos as currency. Euronews; https://www.euronews.com/next/2022/02/09/russia-s-government-and-central-bank-agree-to-treat-cryptos-as-currency
4. Economist. (2022). How is Ukraine using crypto to fund the war? The Economist; https://www.economist.com/the-economist-explains/2022/04/05/how-is-ukraine-using-crypto-to-fund-the-war
5. Lan, H. (2023). Giao dịch tiền mã hóa: “Vùng trũng” cho tội phạm rửa tiền. Vneconomy; https://vneconomy.vn/giao-dich-tien-ma-hoa-vung-trung-cho-toi-pham-rua-tien.htm
6. Lực, C. (2022). Nga “chốt” tương lai tiền điện tử. Người lao động; https://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/nga-chot-tuong-lai-tien-dien-tu-20220211183319144.htm
7. Oliver-Stafford. (2022). Crypto exchanges resist calls for ban on Russia transactions. Financidal Times; https://www.ft.com/content/33c79ec2-6d26-4083-9093-2f05c3010536
8. Selmi, F. M. (2022). Do sanctions work in a crypto world? The impact of the removal of Russian Banks from SWIFT on Remittances. HAL Open Science; https://hal.science/hal-03599089/document

ThS. Nguyễn Trần Minh Trí

Viện Kinh tế và Chính trị thế giới

LUẬT SƯ 911 - HỆ THỐNG LUẬT SƯ
"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"
-------------------------------------------
Liên hệ với Luật sư :
P: 0938188889 - 0387696666 - 0386319999

LIÊN HỆ LUẬT SƯ 911

    THEO DÕI LUẬT SƯ 911

    spot_img

    Nội dung phổ biến

    Các tin khác cùng chuyên mục
    LUẬT SƯ 911

    Ra mắt Viện Công nghệ Blockchain và Trí tuệ nhân tạo

    Ra mắt Viện Công nghệ Blockchain và Trí tuệ...

    Triển vọng hệ sinh thái cho công nghệ chuỗi khối bền vững tại Việt Nam

    Triển vọng hệ sinh thái cho công nghệ chuỗi...

    Hơn 200 triệu đồng giải thưởng cho cuộc thi lập trình công nghệ chuỗi khối

    Hơn 200 triệu đồng giải thưởng cho cuộc thi...

    Các thí sinh lực lượng vũ trang giành 100 triệu đồng thi lập trình chuỗi khối

    Các thí sinh lực lượng vũ trang giành 100...

    Hàng loạt văn bản pháp lý về Blockchain của Việt Nam

    Tính đến thời điểm hiện tại, Chiến lược blockchain...