Hơn 3 năm qua kể từ ngày Quy chế ghi nhãn hàng hóa (QCGNHH) được Thủ tướng Chính phủ ban hành (có hiệu lực 1/1/2001), người tiêu dùng (NTD) vẫn chưa thể yên tâm về thông tin trên nhãn hiệu; còn cơ quan chức năng thì cứ than khổ vì đụng tới đâu cũng thấy vi phạm.
Đốt đuốc tìm… nhãn phụ
Ngày 6/4/2004, bà Huỳnh Ngọc Thuận (ở 466/51 Lê Văn Sỹ, Q.3, TP Hồ Chí Minh) mua nệm, bàn, giường tại Công ty Hoàng Gia số 80 Ngô Gia Tự, Q.10 (TP Hồ Chí Minh). Nhãn hiệu của sản phẩm ghi những chữ nước ngoài nhưng không rõ ràng, không có nhãn phụ tiếng Việt. Bà Thuận tin lời người bán, mua về sử dụng chỉ một thời gian ngắn thì sản phẩm bị hỏng. Mang đổi lại không được, bà đưa vụ việc lên Văn phòng khiếu nại người tiêu dùng phía Nam.
Ông Phạm Công Chính (ở đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, Q.Bình Thạnh TP Hồ Chí Minh) mua trả góp một máy đầu đĩa vào năm ngoái. Người bán giới thiệu là hàng Sony của Nhật, người mua thì không xem kỹ nhãn hiệu và xuất xứ, khi về đến nhà kiểm tra lại thì mới phát hiện đây là hàng Trung Quốc…
Thực tế, hiện đang có quá nhiều vụ khiếu kiện liên quan đến nhãn hiệu hàng hoá. NTD thì cả tin hoặc thiếu hiểu biết, và không ít nhà sản xuất lợi dụng điều này để lập lờ trong việc ghi nhãn hàng hoá. Kết quả một cuộc khảo sát của chúng tôi vào đầu tháng 6/2004 cho thấy, tình trạng vi phạm QCGNHH vẫn trầm trọng tại nhiều siêu thị, trung tâm thương mại, các chợ tại TP Hồ Chí Minh. Hầu hết các loại máy ảnh, đầu đĩa, máy vi tính nhập khẩu không có nhãn phụ. Nhiều sản phẩm được người bán giới thiệu là hàng nhập từ Thái Lan, Philippines, Trung Quốc, Nhật, Pháp… nhưng không hề thấy ghi xuất xứ trên sản phẩm. Đáng quan ngại hơn là các loại hàng ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ con người như mỹ phẩm, thực phẩm đóng hộp, bánh kẹo nhập khẩu cũng không có nhãn phụ tiếng Việt.