“Nhãn hiệu” và “Thương hiệu” là 2 từ lúc đầu xuất hiện trong lĩnh vực kinh tế, thương trường rồi sau đó mới mở rộng, hàm chứa nghĩa sang những lĩnh vực khác. “Nhãn hiệu” là cái vỏ, cái mác bên ngoài;còn “Thương hiệu” là cái làm nên giá trị của thứ đó. Nhãn hiệu thì có thể gắn với nội dung, chất lượng, có thể không. Hiểu nôm na, nhãn hiệu chỉ đơn giản là tên của một hãng, một sản phẩm hàng hoá.
Ví dụ như Sony, Daewoo, Hanel… (hàng địên tử); 555, Dunhill, Marlboro, Vinataba, Thăng Long… (Thuốc lá) là nhãn hiệu. Còn thương hiệu gắn với những sản phẩm nổi tiếng, chiếm được sự ưa chuộng của đa số khách hàng. Bản thân các nhãn hiệu không có tính cạnh tranh nhau vì đơn thuần chỉ là cái tên, sự phân biệt giữa các đơn vị kinh tế. Chỉ thương hiệu mới có tác dụng này, mới có khả năng loại bỏ nhau do chất lượng, uy tín đối với khách hàng khác nhau. Nhãn hiệu có thể đi liền với thương hiệu, có thể không. Những năm 50, 60 của thế kỷ trước, nhiều người ở Hà Nội đều biết đến hiệu dầu cao con hổ nổi tiếng Chính đại dược hàng. Đây là loại thuốc dùng để xoa bóp khi bị cảm lạnh, đau bụng rất hiệu quả. Dầu nhờn, được đựng vào hộp tròn, dẹt, to hơn đồng xu một chút, màu đỏ, có hình con hổ nổi. Không hiểu vì sao đến nay không thấy nữa. Bây giờ có thể có nhiều loại thuốc mới nhập khẩu từ nước ngoài cũng tốt, nhưng người ta vẫn không quên dầu cao con hổ của Chính đại dựơc hàng. Nhãn hiệu này đã là một thương hiệu. Khi đó không có dầu bôi nào sánh bằng. Hoặc như hiện nay, trong rất nhiều hãng cà phê đã nổi bật hãng Trung Nguyên. Thương hiệu này đã lấn át tất cả các hãng cà phê khác, gần như độc chiếm thị phần toàn quốc và một số nước trên thế giới. Đó là thương hiệu.
Như vậy, chỉ thương hiệu mới có giá trị, còn nhãn hiệu thì chẳng có ý nghĩa nếu không gắn liền với thương hiệu. Nhìn sang lĩnh vực khác – nghiên cứu khoa học hoặc văn học nghệ thuật chẳng hạn – điều đang bàn cũng không nằm ngoài những lẽ trên. Tất cả những bằng cấp (trung học, cao đẳng, đại học); học hàm (phó giáo sư, giáo sư); học vị (cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ), rồi những kỹ sư, bác sĩ, nhà văn, nhà báo, nhạc sĩ, thi sĩ… đều chỉ là “nhãn hiệu”, để phân biệt với các nghề nghiệp khác. Ngoài thông tin về công việc, nghề nghiệp, chưa nói lên điều gì. Phải là “thương hiệu”. Ví như ở nước ta, có tới hàng nghìn người làm nghề châm cứu nhưng chỉ Nguyễn Tài Thu mới là “thương hiệu” hàng đầu. Cũng như vậy trong những “thương hiệu” ở lĩnh vực nông học, phải nhắc đến 2 “thương hiệu” là Lương Đình Của và Vũ Tuyên Hoàng (cả 2 vị đều đã qua đời). Không thể kể hết mọi lĩnh vực đều có những “thương hiệu” đặc biệt, vượt lên, nổi trội hơn các “nhãn hiệu” khác.