Tính đến thời điểm hiện tại, Chiến lược blockchain quốc gia là văn bản có tính pháp lý cao nhất, thể hiện mục tiêu và quyết tâm của Chính phủ trong việc thúc đẩy ứng dụng công nghệ blockchain, tận dụng ưu thế của công nghệ tiên tiến này nhằm tạo điều kiện hiện thực hóa các mục tiêu đề ra của nền kinh tế số, xã hội số.
Trước đó, ngày 8/10/2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Công nghiệp công nghệ số do Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông trình. Đây là lần đầu tiên Tài sản số được chính thức đưa vào văn bản luật với quy định cụ thể là loại tài sản vô hình, được pháp luật bảo hộ như quyền tài sản phù hợp với quy định pháp luật dân sự, sở hữu trí tuệ và pháp luật khác có liên quan.
Việc luật hóa định nghĩa Tài sản số là một trong những hành động hiện thực cam kết của Chính phủ Việt Nam về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, với mục tiêu đưa Việt Nam ra khỏi danh sách xám của Lực lượng đặc nhiệm tài chính về chống rửa tiền (FATF) trước thời điểm tháng 5/2025. Các cam kết này được thể hiện trong Kế hoạch Hành động quốc gia, được ban hành tại Quyết định số 194/QĐ-TTg ngày 23/2/2024 của Thủ tướng Chính phủ.
Kể từ khi Việt Nam bị đưa vào danh sách xám của FATF hồi tháng 6/2023, Hiệp hội Blockchain Việt Nam đã có nhiều góp quan trọng, tích cực thông qua nhiều hoạt động cụ thể như chuỗi 7 hội thảo góp ý xây dựng khung pháp lý Tài sản ảo; hàng chục lượt đóng góp ý kiến trực tiếp hoặc gián tiếp bằng văn bản đến các cơ quan chịu trách nhiệm soạn thảo, thẩm tra, cho ý kiến về các quy định pháp luật này như Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Bộ Thông tin và Truyền thông, Chính phủ,… nhằm góp phần xây dựng khung pháp lý Tài sản số phù hợp với tình hình thực tiễn Việt Nam và tương đồng với thông lệ quốc tế.