Theo quy định tại khoản 1 điều 9 Nghị định số 34/2008/NĐ-CP của Chính Phủ ngày 25 tháng 03 năm 2008 quy định về tuyển dụng và quản lý người nước ngoài làm việc tại Việt Nam thì người nước ngoài vào Việt Nam làm việc với thời hạn trên 03 tháng thì phải có giấy phép lao động.
Người nước ngoài vào Việt Nam làm việc để xử lý các trường hợp khẩn cấp như: những sự cố, tình huống kỹ thuật, công nghệ phức tạp nảy sinh làm ảnh hưởng hoặc có nguy cơ ảnh hưởng tới sản xuất, kinh doanh mà các chuyên gia Việt Nam và các chuyên gia nước ngoài hiện đang ở Việt Nam không xử lý được có thời gian trên 03 (ba) tháng thì hết 03 (ba) tháng làm việc tại Việt Nam, người nước ngoài phải làm thủ tục đăng ký cấp giấy phép lao động theo quy định pháp luật. Luật sư 911
Người nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam mà chưa được cấp giấy phép lao động thì phải làm thủ tục để đề nghị cấp giấy phép lao động theo quy định tại Nghị định này. Nếu người lao động nước ngoài không có giấy phép lao động thì Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đề nghị Bộ Công an ra quyết định trục xuất khỏi Việt Nam theo quy định của pháp luật.
Sở lao động thương binh và xã hội có trách nhiệm theo dõi, tổng hợp và báo cáo tình hình lao động nước ngoài làm việc tại các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức trên địa bàn quản lý.
Đơn vị sử dụng lao động người nước ngoài phải có trách nhiệm Báo cáo tình hình người sử dụng người nước ngoài làm việc tại Việt Nam theo quy định của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.
Ngày 22 tháng 3 năm 2010 của Bộ Lao động thương binh và xã hội đã ra công văn số 828/LĐTBXH-VL về việc tăng cường quản lý lao động nước ngoài làm việc ở Việt Nam.
Theo đó Bộ Lao động thương binh và xã hội đề nghị các Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố đôn đốc, nhắc nhở các Sở, ban, ngành và các cơ quan có liên quan tiếp tục thực hiện những nội dung chủ yếu sau:
– Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn các doanh nghiệp, tổ chức có sử dụng lao động nước ngoài thực hiện nghiêm túc qui định pháp luật liên quan trực tiếp đến người lao động nước ngoài và xác định rõ trách nhiệm của người lao động, người sử dụng lao động.
– Tiến hành kiểm tra thanh tra các doanh nghiệp, tổ chức sử dụng lao động nước ngoài trên địa bàn. Trong đó trọng tâm là kiểm tra, thanh tra việc thực hiện pháp luật Việt Nam trong việc tuyển dụng, cấp giấy phép lao động, gia hạn giấy phép lao động. Khi thanh tra, kiểm tra phát hiện vi phạm sẽ kiên quyết xử lý theo qui định pháp luật Việt Nam, đối với các trường hợp không đủ điều kiện làm việc tại Việt Nam thì buộc xuất cảnh hoặc trục xuất.
– Ban hành quy chế phối hợp giữa Sở Lao động thương binh và xã hội với Sở Tư pháp, Sở kế hoạch và đầu tư, Công an tỉnh và các ban ngành liên quan trong việc quản lý và xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực sử dụng, quản lý người lao động nước ngoài.
– Định kỳ trước 25 cuối quý, Sở Lao động thương binh và xã hội báo cáo tổng hợp tình hình quản lý người lao động nước ngoài tại địa phương gửi về Bộ Lao động thương binh và xã hội để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình quản lý người lao động nước ngoài.
Hiện nay một trong những khó khăn trong thủ tục giấy phép lao động là quy định bắt buộc trước khi nộp hồ sơ xin giấy phép lao động, đơn vị tuyển dụng lao động phải đăng thông báo tuyển dụng trước ít nhất 30 ngày trên 01 số báo trung ương và 01 số báo địa phương nêu rõ nội dung tuyển dụng, vị trí, số lượng, yêu cầu chuyên môn,….