Định nghĩa
Nhãn hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hoá, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau. (Điều 4 – Khoản 16 – Luật Sở hữu Trí tuệ 2005)
Văn bằng bảo hộ nhăn hiệu là Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu , có hiệu lực từ ngày cấp đến hết 10 năm tính từ ngày nộp đơn hợp lệ và có thể được gia hạn liên tiếp nhiều lần, mỗi lần 10 năm.
Nguyên tắc “Nộp đơn đầu tiên” được áp dụng cho việc bảo hộ nhãn hiệu tại Việt Nam, theo đó Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu sẽ được cấp cho người nộp đơn sớm nhất. Tuy nhiên, nguyên tắc “Nộp đơn đầu tiên” không áp dụng cho những nhãn hiệu được coi là nổi tiếng theo Công ước Paris hoặc với nhãn hiệu đã được sử dụng và đã được thừa nhận một cách rộng rãi. Trong các trường hợp này, quyền ưu tiên sẽ được dành cho người nào có thể chứng minh rằng nhãn hiệu của mình là nổi tiếng hoặc đã được sử dụng và đã được thừa nhận một cách rộng rãi mà không cần phải xét đến nguyên tắc này.
Theo Công ước Paris mà trong đó Việt Nam là một thành viên, nhãn hiệu nổi tiếng được bảo hộ tại Việt Nam không cần phải qua đăng ký.Tuy nhiên, luật pháp hiện hành chưa quy định chi tiết thế nào là một nhãn hiệu nổi tiếng. Do đó, trong thực tế, yếu tố quyết định một hàng hoá là nổi tiếng hay không còn phụ thuộc vào chuyên gia giám định của Cục Sở hữu Công nghiệp. Do chưa có điều khoản nào quy định rõ một sản phẩm là nổi tiếng, Cục Sở hữu Công nghiệp thường dựa vào những yếu tố sau:
(1) Chất lượng hàng hoá do người tiêu dùng đánh giá,
(2) Vùng lãnh thổ nơi hàng hoá/dịch vụ mang nhãn hiệu này được bán ra/được cung cấp,
(3) Doanh thu bán hàng và chất lượng của hàng hoá/dịch vụ được bán ra hay được cung cấp.
(4) Thời gian sử dụng liên tục liên tục nhãn hiệu này,
(5) Danh tiếng của hàng hoá/dịch vụ khi sử dụng nhãn hiệu này, và
(6) Số quốc gia bảo hộ nhãn hiệu đó.