Bàn về bản quyền của Flappy Bird
Việc bảo hộ quyền tác giả đối với các tác phẩm được xác lập ngay khi tác phẩm được phát tán ra ngoài dưới bất kì hình thức nào và không bắt buộc phải đăng ký.
Phần lập trình (nội dung): Bảo hộ bản quyền dưới hình thức tác phẩm phần mềm chương trình máy tính của mã nguồn hay mã máy (Điều 22 Luật Sở hữu trí tuệ)
Phần hình thức thể hiện dưới hình ảnh đồ hoạ (bảo hộ tác phẩm mỹ thuật ứng dụng) có thể đi kèm phần kịch bản (bảo hộ dưới hình thức tác phẩm viết).
Tác giả Quang Hưng của bài viết Tác giả Flappy Bird không cần phải lo bị kiện có nhận định: “Trò chơi Super Mario được phát hành từ năm 1985, đến nay đã là gần 30 năm, những bản quyền đăng kí của Nintendo nếu có thì có lẽ đều đã hết hạn. Bản quyền phát minh, thiết kế thường có giá trị khoảng 20 năm tùy theo các quốc gia…” là chưa chính xác.
Không giống như thời hạn của các đối tượng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp mà bạn Quang Hưng đã đề cập, bản quyền tác giả thường khá dài và được xác lập tự động. Nghĩa là việc bảo hộ quyền tác giả đối với các tác phẩm được xác lập ngay khi tác phẩm được phát tán ra ngoài dưới bất kì hình thức nào và không bắt buộc phải đăng ký.
Theo đó, thời hạn bảo hộ quyền tác giả (Điều 27 Luật Sở hữu trí tuệ) thì thời hạn bảo hộ tác phẩm có thể được bảo hộ lên tới 50 năm kể từ ngày công bố hoặc 50 năm sau khi tác giả mất tuỳ thuộc vào từng loại tác phẩm.
Trở lại vấn đề liệu tác phẩm Flappy Bird có vi phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với quyền tác giả của Nintendo không? Chúng tá cũng cần xem xét từng góc độ.
Dưới góc độ hình thức thể hiện, như việc thiết kế đồ hoạ có phần sử dụng giống hoặc tương tự dạng ống nước của trò chơi Mario của Nintendo.
Bản quyền tác giả không bảo hộ ý tưởng mà chỉ bảo hộ hình thức thể hiện tác phẩm. Do vậy, trong trường hợp tác giả chứng minh sự sáng tạo độc lập và không sao chép phần trọng yếu của tác phẩm thì không bị coi là xâm phạm quyền tác giả .
Theo quan điểm cá nhân tôi, phần thiết kế đồ hoạ của trò chơi Flappy Bird được đánh giá là không xâm phạm ngay cả khi sử dụng phần hình họa “ống nước” của trò chơi Mario.
Dưới góc độ nội dung bao gồm phần lập trình phần mềm và kịch bản của trò chơi thì chính tác giả Hà Đông sẽ nắm rõ hơn.
Thứ hai là về quyền sở hữu công nghiệp. Trong một số trò chơi được nhiều người biết đến thì chủ sở hữu không chỉ tận dụng các bảo hộ quyền tác giả liên quan đến quyền tác giả như đã đề cập ở trên.
Trường hợp các hình ảnh đặc trưng sẽ được đăng ký dưới dạng nhãn hiệu thì phạm vi bảo hộ sẽ rất mạnh mẽ vì chỉ cần sử dụng các dấu hiệu có khả năng tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu đã được bảo hộ sẽ được coi là vi phạm.
Trên đây chỉ là một số ý kiến giản lược để mọi người cùng xem xét tranh luận. Nếu bạn Hà Đông và các bạn khác cũng quan tâm đến các quyền sở hữu trí tuệ, tôi sẵn sàng tư vấn và giúp đỡ pháp lý miễn phí và rất sẵn lòng.
Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam sửa đổi, bổ sung 2009 của Quốc Hội Việt Nam.
Điều 22. Quyền tác giả đối với chương trình máy tính, sưu tập dữ liệu Chương trình máy tính là tập hợp các chỉ dẫn được thể hiện dưới dạng các lệnh, các mã, lược đồ hoặc bất kỳ dạng nào khác, khi gắn vào một phương tiện mà máy tính đọc được, có khả năng làm cho máy tính thực hiện được một công việc hoặc đạt được một kết quả cụ thể. Chương trình máy tính được bảo hộ như tác phẩm văn học, dù được thể hiện dưới dạng mã nguồn hay mã máy. Sưu tập dữ liệu là tập hợp có tính sáng tạo thể hiện ở sự tuyển chọn, sắp xếp các tư liệu dưới dạng điện tử hoặc dạng khác. Việc bảo hộ quyền tác giả đối với sưu tập dữ liệu không bao hàm chính các tư liệu đó, không gây phương hại đến quyền tác giả của chính tư liệu đó. Điều 27. Thời hạn bảo hộ quyền tác giả Quyền nhân thân quy định tại các khoản 1, 2 và 4 Điều 19 của Luật này được bảo hộ vô thời hạn. Quyền nhân thân quy định tại khoản 3 Điều 19 và quyền tài sản quy định tại Điều 20của Luật này có thời hạn bảo hộ như sau: a) Tác phẩm điện ảnh, nhiếp ảnh, mỹ thuật ứng dụng, tác phẩm khuyết danh có thời hạn bảo hộ là bảy mươi lăm năm, kể từ khi tác phẩm được công bố lần đầu tiên; đối với tác phẩm điện ảnh, nhiếp ảnh, mỹ thuật ứng dụng chưa được công bố trong thời hạn hai mươi lăm năm, kể từ khi tác phẩm được định hình thì thời hạn bảo hộ là một trăm năm, kể từ khi tác phẩm được định hình; đối với tác phẩm khuyết danh, khi các thông tin về tác giả xuất hiện thì thời hạn bảo hộ được tính theo quy định tại điểm b khoản này; b) Tác phẩm không thuộc loại hình quy định tại điểm a khoản này có thời hạn bảo hộ là suốt cuộc đời tác giả và năm mươi năm tiếp theo năm tác giả chết; trường hợp tác phẩm có đồng tác giả thì thời hạn bảo hộ chấm dứt vào năm thứ năm mươi sau năm đồng tác giả cuối cùng chết; c) Thời hạn bảo hộ quy định tại điểm a và điểm b khoản này chấm dứt vào thời điểm 24 giờ ngày 31 tháng 12 của năm chấm dứt thời hạn bảo hộ quyền tác giả. |